1/ Vị trí địa lý: Trường được chia làm hai khu:
Khu 1 có diện tích 2400m2 tại địa phận thôn Thụy Trang. Phía Bắc giáp nhà dân, phía nam giáp trường THCS, phía Đông giáp đường 39A. Phía tây giáp cánh đồng Đạo Khê gồm 6 phòng học là kiên cố cao tầng còn một phòng bếp và 1 văn phòng là nhà cấp 4.
Khu 2 ( là khu trung tâm của trường) có diện tích 4500 m2 tại địa phận thôn Trung Đạo. Phía Bắc giáp đường liên Xã, phía Nam và phía Tây giáp cánh đồng thôn Trung Đạo, phía đông giáp nhà dân gồm 8 phòng học 1 văn phòng là kiên cô cao tầng còn 1 phòng bảo vệ là nhà cấp 4
2/ Điều kiện tự nhiên- điều kiện xã hội.
+ Trường luôn được nhân dân đại phương và UBBD xã ủng hộ và tạo điều kiện thuận lợi
+Truyền thống hiếu học đã ngấm sâu vào trong lòng mỗi em học sinh.
+ Tập thể cán bộ giáo viên luôn đoàn kết, nhiệt tình, hết mình góp sức quyết tâm xây dựng nhà trường ngày một đi lên.
3/ Quá trình hình thành và phát triển của trường tiểu học Trung Hưng
Trường cấp I Trung Hưng nay gọi là trường Tiểu học trung Hưng nằm sát đường 39A. Vào năm 1954 Khi hòa bình lập lại, được sự chỉ đạo của cấp trên, xã đã thành lập được một lớp vỡ lòng. Học sinh trong lớp gồm nhiều lứa tuổi khác nhau và ngày ấy ai có điều kiện lắm mới được đi học. Đến năm 1956 Trường được thành lập lấy tên là trường Cấp 1 Trung Hưng. Thầy hiệu trưởng đầu tiên được giao nhiệm vụ lãnh đạo trường là thầy Nguyễn Văn Su quê ở xã Quang Trung Huyện Ân Thi. Thầy lãnh đạo trường từ năm 1956 đến năm 1960. Thầy đã mất nên những tư liệu về trường, chúng tôi là thế hệ sau không được biết. Vì trường thành lập khá sớm nên khi hỏi những thầy cô nhiều tuổi nhất cũng không nhớ được bối cảnh của trường lúc bấy giờ.
Năm 1960-1961 Thầy Trần Xuân Sầm quê ở xã Lý Thường Kiệt-Yên Mỹ-Hưng Yên được cấp trên giao nhiệm vụ Hiệu Trưởng và sau một năm sau thầy Phạm Xuân Hoàn cùng quê với thầy Sầm thay thầy Sầm lãnh đạo trường cấp 1 Trung Hưng. Ngày ấy, các thấy cô làm việc tám tiếng trong đó bốn tiếng lên lớp còn bốn tiếng đến văn phòng ngồi soạn bài. Nhiều thầy cô vì điều kiện kinh tế khó khăn, vì nhà ở xa nên phải ở khu tập thể. Trường có khu tập thể gồm rất nhiều phòng cấp 4, cả khu tập thể chung nhau một giếng khơi, một bếp. Mặc dù chật chội như vậy nhưng tất cả đều hòa thuận và vui vẻ. Các thầy cô phải đi họp rất xa mà phương tiện là những chiếc xe đạp cọc cạch, đồng lương ít ỏi nhưng ai nấy đều phơi phới lòng yêu nghề. Nhiều buổi sinh hoạt tập thể buổi tối thật vui và bổ ích. Năm 1965-1966 do yêu cầu công việc thầy Hoàn được cấp trên cử đi học và vì thế nhà trường lại đón thầy hiệu trưởng mới đó là thầy Lê Viết Tập ở làng Lá xã Trai Trai nay là Thị Trấn Yên Mỹ. Một năm sau, thầy lại chuyển công tác và thầy Ngô Hồng trú quán tại thôn Trai Trang- Thị Trấn Yên Mỹ nhận nhiệm vụ Hiệu trưởng thay thầy. Thầy Ngô Hồng đã mất song khi hỏi về thầy trong lòng mỗi học sinh ngày ấy đều dấy lên một lòng cảm mến về một tấm gương sáng của người thầy về tình thương yêu học sinh. Thầy luôn có mặt động viên mỗi học sinh khi có khó khăn và khi ấy giọng nói ấm áp của thầy là điểm tựa, là sức sống tiếp thêm cho học sinh cho đến ngày nay giọng nói của thầy, tình cảm của thầy vẫn còn đọng mãi trong tâm trí mỗi học sinh.Thầy lãnh đạo trường đến năm 1968 thầy chuyển công tác và cô Nguyễn Thị Đoàn được cấp trên giao cho nhiêm vụ Hiệu trưởng nhà trường từ năm 1969 đến năm 1980. Cô là hiệu trưởng nữ đầu tiên của trường. Ngày ấy, giáo viên không được lĩnh tiền lương như bây giờ mà chủ yếu là lĩnh tem phiếu tất cả các loại lương thực, thực phẩm cũng như các nhu yếu phẩm như: Gạo, thịt, vải.... Vất vả là thế, khổ cực là thế mà các thầy cô vẫn giữ chuẩn mực của người thầy thanh cao, trong sáng biết bao. Và rất vinh dự cho trường trong thời gian công tác đã có năm trường đạt danh hiệu là trường Tổ đội lao động Xã hội chủ nghĩa.
Năm 1980 do nhu cầu lúc bấy giờ cấp trên quyết định sát nhập trường cấp 1 và trường cấp 2 lấy tên “Trường cấp 1,2 Trung Hưng”. Khi đó, Thầy Hoàn đã học xong và quay lại về trường công tác. Vẫn ngôi trường đó,những dãy phòng học là nhà cấp 4, của sổ là những lỗ tổ ong xây bằng gạch. Không có điện, không có quạt, ghế học sinh là những bệ được xây băng xi măng. Vào những hôm trời nổi cơn dông trong lớp học tối om, thầy trò lại dạy và học theo kiểu truyền miệng. Khổ nhất là trời mưa, lớp học dột, nền lớp nham nháp bùn đất, ai đi chân đất thì cứ phải bấm chặt năm ngón chân xuống nền không thì “vồ ếch” liên tục. thế mà hằng năm nhà trường vẫn có nhiều học sinh đạt học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh.
Đến năm 1990, do tình hình thực tế lúc bấy giờ, cấp trên lại một lần nữa quyết định tách trường và trường được mang tên mới là: “Trường Tiểu học Trung Hưng”. Đúng thời gian đó thầy Hoàn nghỉ hưu và cô Nguyễn Thị Châu được chuyển về làm hiểu trưởng từ năm 1990 đến năm 2004. Cô đã lãnh đạo trường 5 năm liền là trường tiên tiến và cũng 5 năm liền cô đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua. Cô là một tấm gương về sự giản dị cho thế hệ sau noi theo. Khi cô nhận nhiệm vụ Hiệu trưởng, có năm trường có tất cả 27 lớp và số lượng học sinh có năm lên tới 933 học sinh. Phải nói cô là người mang lại nhiều khởi sắc cho nhà trường.
Về cơ sở vật chất trường đã khang trang sạch đẹp hơn trước rất nhiều. Cả hai khu lớp học của trường đều là nhà cao tầng, phòng học đã có điện thắp sáng về mùa đông, quạt mát về mùa hè. Đội ngũ giáo viên ngày càng tinh nhuệ. Nhiều thành tích vang dội đã về với trường: Em Nguyễn Mạnh Hà đã mang về giải ba học sinh giỏi cấp tỉnh (dẫn đầu đội tuyển huyện), em Nguyễn Thị Thuỳ Trang cùng đội học sinh đi thi kể chuyện đã mang về giải nhì cấp tỉnh, cô Nguyễn Thị Thúy đạt giải nhị GVTV giỏi toàn quốc và được tặng bằng khen do thủ tưởng Phan Văn Khải trao... Những thành tích như vậy xứng đáng để những người kế tục sự nghiệp noi theo và học tập.
Năm 2004 cô Châu về nghỉ hưu và cô Nguyễn Thị Thúy đã được sự tin yêu của đồng nghiệp, sự tin tưởng cấp trên giao nhiệm vụ Hiệu trưởng nhà trường. Mặc dù có rất nhiều khó khăn, thử thách song với bề dầy lịch sử, Trường Tiểu học Trung Hưng không những đã giữ vững danh hiệu tiên tiến mà hai năm liền 2011-2012 và 2012-2013 trường đạt danh hiệu trường Tiên tiến xuất sắc. Tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên và các em học sinh trường Tiểu học Trung Hưng, dưới sự lãnh đạo của cô Nguyễn Thị Thúy đã không ngừng phấn đấu và đạt được rất nhiều thành tích nổi bật. Nhiều cô giáo đạt giải cao trong các hội thi giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cấp tỉnh. Chiếm được lòng tin yêu của nhân dân trong xã. Năm học 2007-2008 trường được đón bằng công nhận trường chuẩn Quốc gia mức độ I.
Năm học 2015-2016, theo quy định của cấp trên cô Nguyễn Thị Thúy được lãnh đạo điều động về công tác tại trường THTT Yên Mỹ II và trường Tiều học Trung Hưng được đón thầy Phạm Đức Minh về làm Hiệu trưởng. Mới đấy mà đã 2 năm học trôi qua, thầy đã thể hiện là một lãnh đạo đầy nhiệt huyết, cùng với tập thể cán bộ giáo viên nhân viên và học sinh của trường tiếp tục bước những bước vững chắc trên con đường phát triển. Giáo viên, học sinh tham dự hội thi các cấp đạt kết quả cao. Năm học 2015-2016 cô Nguyễn Thị Huyền đạt giải Ba, cô Trần Thị Năm đạt giải Nhì hội thi giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cô Trần Thị Thùy Dương đạt giải Nhì hội thi GVTPT giỏi. Học sinh tích cực tham gia các cuộc thi giải toán và Olympic Tiếng Anh qua mạng Internet. Nhiều em đạt giải cấp huyện, cấp tỉnh. Đặc biệt có em Nguyễn Hoàng Hiệp đã đạt giải Ba cấp Quốc gia tthi giải Toán qua mạng Internet. Năm học 2016-2017 trường tiếp tục thu được những thành tích đáng trân trọng. Đó là: Tham dự hội thi GVDG cấp huyện cô Nguyễn Thị Hồng Hạnh đạt giải Ba, cô Luyện Thị Tuyết được công nhận là GVDG cấp huyện. Tham dự hội thi GVCN giỏi cô Luyện Thị Huyền đạt giải Ba. Tham dự hội thi Cô giáo tài năng duyên dáng cô Trần Thị Hằng đạt giải khuyến khích cấp huyện. Cô Trần Thị Thùy Dương đạt giải Ba trong hội thi Kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Các em học sinh cũng gặt hái được rất nhiều thành công như: Thi tiếng Anh qua mạng có 06 được tham gia cấp tỉnh trong đó em Nguyễn Hà Khánh Chi đạt giải Ba cấp tỉnh và được dự thi cấp Quốc gia. Thi Tin học trẻ cấp huyện có 02 em dự thi và đều được cấp giấy chứng nhận Hs giỏi Tin học. Giao lưu Olympic các môn học có em Lưu Trịnh Huyền Trang lớp 5A tham dự và đứng trong tốp 2 những học sinh có thành tích cao. Tham gia giao lưu ATGT cấp huyện có 10 em tham gia, phần thi tài năng đạt giải Ba, 5 em dự thi phần tìm hiểu kiến thức có 4 em đạt 30/30 điểm, 01 em đat 29/30 điểm. Có được những thành tích như vậy là nhờ sự chỉ đạo sát sao, thường xuyên quan tâm, động viên khích lệ, làm tốt công tác thi đua khen thưởng đối với giáo viên, học sinh của thầy. Bên cạnh đó thầy là một lãnh đạo dám nghĩ, dám làm. Thấy sân trường ở khu II trũng thoát nước kém ảnh hưởng lớn đến việc vui chơi cũng như sinh hoạt tập thể của học sinh, ngay năm thứ hai về trường tức là năm học 2016-2017 thầy đã huy động mọi nguồn lực, làm tốt công tác XHH xây dựng sân khấu, sân trường với tổng giá trị lên tới 3 trăm triệu đồng và còn rất nhiều hạng mục khác nữa góp phần làm cảnh quan nhà trường ngày một khang trang sạch đẹp hơn. Chính vì vậy thầy đã được đồng nghiệp và nhân dân trong xã tin tưởng và đồng thuận.
Trung Hưng, ngày 20/9/2017